• Chia sẻ qua Zalo
  • Chia sẻ FB
  • Góp ý & Báo lỗi
  • Bình luận0

Những di tích lịch sử không nên bỏ qua khi đến Quảng Trị

Quảng Trị thuộc dải đất miền Trung đất nước và là nơi sở hữu những điểm tham quan rất đáng để đến khám phá mà không phải ai cũng biết đến. Nơi đây có cảnh quan yên bình với những con người chân chất, mộc mạc cùng những kí ức lịch sử vẫn còn in dấu. Du lịch Quảng Trị là đến với vùng đất lịch sử với nhiều chứng tích của suốt hai cuộc kháng chiến. Hãy cùng tham khảo các địa điểm du lịch Quảng Trị đáng chú ý nhé.

Di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị

Di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị và Những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972.


Di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị và Những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 thuộc địa bàn thị xã Quảng Trị và hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Thành cổ Quảng Trị có diện tích 25ha, nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị, được xây dưới thời Nguyễn (năm 1809 và 1837), gồm hành cung, cột cờ, các cơ quan (Ty phiên, dinh Tuần phủ, Án sát, ngục thất)... và một số công trình phòng thủ (luỹ, pháo đài, tường bắn, đường phòng hộ, hào thành...). Sau đó, người Pháp xây dựng thêm đồn cảnh sát, nhà tù, nơi chỉ huy các binh chủng, bưu điện, trạm xá, kho gạo… Từ 1954 - 1971, các công trình xây dựng thời Nguyễn ở trong thành bị tàn phá nặng nề. Chính quyền Sài Gòn đã biến nơi đây thành doanh trại đóng quân, sân vận động, nhà lao và dựng thêm một số lô cốt. Trong cuộc chiến năm 1972, Thành cổ bị phá hủy gần hết, chỉ còn lại một số đoạn tường gạch loang lổ vết đạn và 2 cổng tiền, hậu chưa sụp đổ. Từ năm 1992 đến nay, di tích đã được tu bổ, bảo tồn những yếu tố gốc còn lại sau chiến tranh, tôn tạo và xây dựng mới nhiều công trình để phục vụ mục đích tri ân, tưởng niệm.


+ Hệ thống cổng thành gồm 4 cổng ra vào.

+ Hệ thống tường thành đã bị phá huỷ nghiêm trọng, chỉ còn lại một số đoạn ngắn tương đối nguyên vẹn, với nhiều vết đạn pháo. Năm 2012, hệ thống nền móng tường thành được phát lộ.

+ Hệ thống pháo đài được bảo tồn nguyên gốc (còn lại sau chiến tranh). Ở góc Tây Nam, nhiều mảng tường đã bị phá hủy; đoạn giữa mặt Bắc chỉ còn tường thành đắp bằng đất; góc Tây Bắc bị phá hủy gần như toàn bộ; góc Đông Bắc có nhiều mảng bị nứt vỡ và lún, nghiêng. Pháo đài góc Đông Nam bị nứt và bong tróc, có đoạn bị biến dạng.

+ Hệ thống cầu bắc qua hào thành: 4 chiếc cầu bắc qua hào thành đều bị bom đạn đánh sập, dấu tích còn lại chỉ là một phần cống hình vòm cuốn ở chiếc cầu bắc vào cổng hậu. Từ năm 1993, cầu được phục hồi theo kiến trúc cũ.

+ Hệ thống hào thành: năm 1993, kè thẳng phía trong và ngoài hào thành bằng đá cuội bazan. Năm 2011, hệ thống tường thấp bằng xi măng, bê tông cốt thép phía trong và ngoài hào thành được xây mới, lòng hào được nạo vét, dẫn nước vào và thả hoa để tạo mỹ quan cho di tích. 

+ Lao xá (nhà lao) nằm ở góc Đông Bắc thành, được xây dựng từ thời Nguyễn, mở rộng thêm thời Pháp và chế độ Việt Nam Cộng hoà. Nhà lao gồm vọng gác, phía Đông có lao tả, phía Tây có lao hữu, phía Nam có các dãy nhà làm việc... Sau chiến tranh, lao xá bị phá huỷ gần hết, chỉ còn lại hệ thống xà lim kiên cố từ thời Pháp thuộc.

+ Chứng tích hố bom có diện tích 24m2, sâu 2,5m, nằm ở phía Bắc thành.

+ Đài Tưởng niệm xây dựng năm 1997, bằng đất, có hình tròn mang hình dáng một nấm mồ chung. Giữa đài dựng một biểu tượng cây đèn thờ cao 8,1m, mang ý nghĩa tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu oanh liệt tại Thành cổ của quân và dân ta. Sân hành lễ và nền đài tưởng niệm lát gạch đỏ.

+ Nhà trưng bày (Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị) được xây dựng năm 2002, nằm ở góc Đông Nam, bên trong thành. Bảo tàng hiện trưng bày nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật gắn với Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm lịch sử mùa hè năm 1972.

+ Bia chiến tích sinh viên Thành cổ Quảng Trị xây dựng năm 2002, nằm ở góc Đông Bắc, bên trong thành, để ghi nhớ và tưởng niệm những người lính học sinh, sinh viên đã hy sinh trong cuộc chiến.

Những địa điểm lưu niệm trận địa chốt và bến sông tiêu biểu

+ Ngã ba Long Hưng và nhà thờ Long Hưng: Ngã ba Long Hưng nằm trên quốc lộ 1A, thuộc làng Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng. Năm 2012, bia tưởng niệm Ngã ba Long Hưng được xây dựng. Bia nền đen, chữ vàng, ghi nội dung: “Ngã ba Long Hưng  “Ngã ba bom”, “Ngã ba lửa” trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm chống phản kích tái chiếm Thành cổ và thị xã Quảng Trị 1972”. Nhà thờ Long Hưng được xây dựng vào những năm 1955 - 1956. Trong cuộc chiến năm 1972, đây là một trong những vị trí chốt giữ ở hướng Nam của Thành cổ. Nhà thờ này đã bị bom đạn phá huỷ gần hết, hiện chưa được phục hồi.

+ Nhà thờ Tri Bưu được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XVII. Năm 1972, đây là một trong những vị trí chốt giữ ở hướng Đông Bắc Thành cổ. Sau chiến tranh, nhà thờ chỉ còn sót lại bộ khung bê tông cốt thép và mảng tường gạch của gác chuông phía cánh tả của nhà thờ. Gần đây, nhà thờ đã được trùng tu 02 lần (1994 và 2000) nhờ sự đóng góp công sức, tiền bạc của bà con Giáo dân nơi đây.

+ Trường Bồ Đề xây dựng vào năm 1959. Trong chiến dịch 81 ngày đêm năm 1972, trường là một trong những trận địa chốt khá vững vàng của quân ta. Đây là một trong số ít công trình còn sót lại chưa bị bom, đạn phá huỷ hoàn toàn. Trường được gia cố vào các năm 1998, 2000.

+ Bến sông Thạch Hãn là cửa ngõ để quân ta tiếp tế vũ khí, lương thực… vào chiến trường. Đây là nơi diễn ra trận quyết chiến ác liệt của quân và dân ta suốt 81 ngày đêm lịch sử, hàng vạn chiến sỹ đã hy sinh, nằm lại trên mảnh đất này. Gần đây, các công trình tháp chuông, nhà hành lễ, bến thả hoa, tượng đài đã được xây dựng bên bến sông này để tri ân những chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì tổ quốc.

+ Quảng trường Giải phóng vốn là nơi làm việc của bộ máy cai trị thực dân Pháp, Mỹ - Ngụy ở Quảng Trị. Trong chiến dịch 81 ngày đêm lịch sử năm 1972, đây là nơi đặt Sở Chỉ huy của Trung đoàn 48 và Trạm Phẫu thuật tiền phương để chuyển tiếp những chiến sĩ thương, vong sang bờ Bắc sông Thạch Hãn. Năm 2009, bia di tích được phục dựng.

+ Chốt Long Quang là chốt trọng yếu của mặt trận cánh Đông bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Chốt được xây dựng trên hệ thống đê chắn cát, chắn nước biển xâm nhập của dân địa phương. Năm 2001, một bia đài bên cạnh trận địa cũ đã được xây dựng để tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh tại đây.

+ Chốt Ngô Xá Tây là nơi từng diễn ra nhiều trận đánh quan trọng nhằm ngăn chặn bước tiến công của địch năm 1972. Sau chiến tranh, địa điểm này đã trở thành phế tích. Năm 2009, nhà bia tưởng niệm Ngô Xá Tây được xây dựng.

Với những giá trị đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị và Những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 (thị xã Quảng Trị, huyện Hải Lăng và huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013).

Di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh


Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh là công trình kiến trúc quân sự kỳ vĩ dưới lòng đất, ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với khẩu hiệu “quân sự hóa toàn dân, công sự hóa toàn khu vực” quân dân Vĩnh Linh đã tiến hành đào hầm hào, với nhiều công năng: trụ sở, kho hậu cần, trường học, bệnh viện, khu vực sinh hoạt của từng gia đình…, được bố trí khắp các điểm dân cư, dọc đường đi, ven ruộng, bờ biển, được nối thông nhau bằng hệ thống giao thông hào chằng chịt thay cho đường trên mặt đất.

Địa đạo Vịnh Mốc (Vĩnh Thạch) thuộc thôn Vịnh Mốc và thôn Sơn Hạ, xã Vĩnh Thạch, dài 1.060,25m (chưa bao gồm các ngách, căn hộ...); chiều cao đường hầm từ 1,7 - 1,8m, gồm có 13 cửa ra vào (có 6 cửa được thông lên đồi, 7 cửa thông ra hướng biển). Dọc hai bên đường hầm, có khoét các ngách nhỏ đủ sinh hoạt cho 2 đến 4 người. Trong hầm còn có hội trường (sức chứa từ 50 - 60 người), làm nơi hội họp, xem phim, biểu diễn văn nghệ... và một số công trình khác như: bảng tin, nhà hộ sinh, 3 giếng nước, nhà vệ sinh, trạm phẫu thuật, trạm xá, bếp nấu ăn (bếp Hoàng Cầm).

Hệ thống đường hầm và các công trình trong lòng đất của địa đạo Vịnh Mốc gồm 3 tầng: Tầng 1 có tổng chiều dài 421,82m, rộng từ 0,90m - 1,1m và chiều cao từ 1,6m - 1,75m, có độ sâu cách mặt đất 8 - 11m, đường hầm có dạng hình vòm, lòng đường, vách, trần đào khá phẳng... Tầng 2 có độ sâu cách mặt đất 11 - 15m, chiều dài 508,08m, cao từ 1,6m - 1,94m, rộng từ 0,8m - 1,1m. Đường hầm có dạng hình vòm cuốn với kết cấu đất đỏ bazan vững chắc.. Trục chính tầng 3 chạy chủ yếu theo hướng Nam rồi vòng qua hướng Đông, dài 130,35m, cao từ 1,6 - 1,74m, rộng từ 0,8 - 1,1m, trần hình vòm cuốn, sâu cách mặt đất từ 21 - 22,5m, có 2 giếng nước, 1 nhà tắm, 5 căn hầm được bố trí so le ở hai bên trục chính, 2 hệ thống cửa (10 và số 12) thông ra biển và cũng có hệ thống đường trục để nối giữa các tầng hầm với nhau.

Ngoài hệ thống đường hầm, địa đạo trong lòng đất, địa đạo Vịnh Mốc còn có các công trình trên mặt đất như: giao thông hào, ụ pháo, kè chắn sóng, nhà trưng bày...

Di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải


Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải thuộc địa bàn huyện Vĩnh Linh (các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Giang, Vĩnh Sơn, thị trấn Cửa Tùng) và huyện Gio Linh (xã Trung Hải), tỉnh Quảng Trị.
Hiền Lương - Bến Hải là nơi đã chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền và những sự kiện lịch sử gắn với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của quân và dân ta trong thời kỳ chống Mỹ - Ngụy. Sau khi Hiệp định Giơ Ne Vơ được ký kết (ngày 20/7/1954), nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Bắc - Nam, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm ranh giới, để chờ đến tháng 7/1956 tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng với những biến cố do sự phá hoại của các thế lực thù địch, đã khiến chúng ta phải mất 21 năm sau (1975), với bao xương máu của chiến sĩ, đồng bào đã đổ xuống mới giành được độc lập, thống nhất đất nước.

Trục chính của di tích này nằm xuyên suốt theo hướng Bắc - Nam mà trung tâm chính là chiếc cầu Hiền Lương lịch sử - nhịp nối giữa Cột cờ phía Bắc và Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” ở bờ Nam.

Các thành phần chính của di tích gồm:

1. Khu vực đôi bờ cầu Hiền Lương

- Cầu Hiền Lương: từ cuối năm 1954 đến khi bị bom Mỹ đánh sập (năm 1967), cầu Hiền Lương đã trở thành “biểu tượng” của sự chia cắt Bắc - Nam và cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc. Để bảo tồn một chứng tích lịch sử, cầu Hiền Lương đã được phục dựng theo thiết kế chiếc cầu sắt do Pháp xây dựng năm 1952, với chiều dài 183,65m, rộng 5,50m, phần lưu thông là 3,20m. Công trình này được khởi công năm 2001, khánh thành năm 2008.

- Nhà Liên hợp, Cột cờ Hiền Lương (Kỳ đài Hiền Lương), Hệ thống loa phóng thanh bờ Bắc, Đồn Công an Hiền Lương, Nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất”, Đồn, Trạm Cảnh sát bờ Nam, Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất”

2. Đồn Công an Cửa Tùng

3. Các bến đò trên sông Hiền Lương - Bến Hải

Ngoài việc bảo tồn, tôn tạo các di tích, Lễ hội thống nhất non sông được định kỳ tổ chức tại di tích vào ngày 30 tháng 4 hằng năm (năm thường do địa phương tổ chức, năm chẵn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đồng tổ chức). Đây là một lễ hội cách mạng đặc sắc, riêng có ở khu di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Quảng Trị, có nội dung phù hợp, hình thức sáng tạo, đáp ứng được nhiệm vụ giáo dục truyền thống cách mạng, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đã trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn và có nhiều ý nghĩa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, nâng cao lòng tự hào dân tộc và ý thức về chủ quyền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam không chỉ hôm nay mà còn mãi với các thế hệ mai sau.

Với những giá trị đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng Di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (huyện Vĩnh Linh và huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013).

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 nằm bên cạnh Quốc lộ 9, Phường 4, cách trung tâm thành phố Đông Hà khoảng 6km về phía Tây.
Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, tiền thân là nghĩa trang liệt sĩ thị xã Đông Hà, xây dựng từ năm 1983-1984, nằm trên một vùng đồi quay mặt ra hướng Quốc lộ 9. 



Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 là nơi yên nghĩ của hơn 9.500 anh hùng, liệt sĩ thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong đó có 3.227 mộ liệt sỹ được xác định đầy đủ tên tuổi quê quán, được mai táng theo từng tỉnh thành, có 785 mộ xác định chưa đầy đủ, còn lại chưa rõ tên tuổi.

Khởi công từ năm 1995, 2 năm sau thì Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 khánh thành với 13 tỉ đồng đầu tư vào 16 hạng mục lớn nhỏ. Trong đó, nổi bậc nhất là Tượng đài chiến thắng và Khu hành lễ.  

Tượng đài chiến thắng cao 18m gồm bệ và tượng. Bệ lại có hai phần, mộ tượng phía Đông là biểu tượng sự đổ nát của Thành cổ Quảng Trị, mộ tượng phía Tây là hình ảnh cách điệu của một ngọn núi trong dãy Trường Sơn che chắn cho bộ đội. Phần tượng thể hiện hình ảnh người bộ đội giải phóng quân Việt Nam với cô thiếu nữ và em bé người Lào mừng ngày chiến tranh kết thúc.

Khu hành lễ có nhà tưởng niệm, 3 bức phù điêu và 4 cụm tượng. Nhà tưởng niệm xây dựng bằng bê tông cốt thép trên diện tích 90m2 với 4 cột tròn và 4 mái phía trên. Bên trong đặt một lư hương lớn, xung quanh 3 phía nhà tưởng niệm là ba mảng phù điêu khá lớn quây thành 3 góc.

Trên mảng phù điêu chính giữa có gắn hàng chữ "Tổ quốc ghi công các liệt sĩ". Mảng phù điêu phía Đông thể hiện tinh thần đấu tranh bám trụ kiên cường của quân và dân, chính giữa là hình ảnh bà mẹ giới tuyến đang ngồi vá cờ Tổ quốc. Mảng phù điêu phía Tây thể hiện quá trình kết hợp của các lực lượng binh chủng chống lại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ. Trước nhà tưởng niệm có 4 cụm tượng ở 4 góc thể hiện tinh thần đoàn kết giữa các lực lượng trong kháng chiến, giữa Việt Nam và Lào.

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Linh Trường, huyện Gio Linh; cách trung tâm tỉnh lỵ (thị xã Đông Hà) khoảng 38km về phía Tây bắc; cách quốc lộ 1A (ở đoạn thị trấn huyện lỵ Gio Linh) chừng hơn 20km về phía Tây bắc.
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sĩ; có tổng diện tích 140.000m2; trong đó, diện tích đất mộ là 23.000m2, khu tượng đài 7.000m2, khu trồng cây xanh 60.000m2, khu hồ cảnh 35.000m2 và mạng đường ô tô rải nhựa trong khuôn viên nghĩa trang 15.000m2. Phần đất mộ được phân thành 10 khu vực chính.


Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh thầm kín của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập binh đoàn Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/1999), Đảng và Nhà nước đã quyết định cho nâng cấp, tôn tạo lại nghĩa trang  Trường Sơn bao gồm nhiều hạng mục: Cổng vào nghĩa trang  Trường Sơn, hệ thống đường và tường bao quanh, mô hình sở chỉ huy, biểu tượng của các địa phương, các cụm tượng, hệ thống thoát nước, điện nội bộ, trồng cây xanh xung quanh nghĩa trang và nhà khánh tiết, đài Tổ quốc ghi công...Đến nay tất cả các hạng mục của các công trình về cơ bản đã được hoàn tất.

Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn ngày nay không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn không chỉ là nơi để các gia đình liệt sỹ, các đoàn đại biểu của Đảng và Nhà nước, chính quyền các địa phương đến viếng thăm và thực hiện công việc đền ơn đáp nghĩa mà còn là nơi hành hương của nhân dân khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế theo truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam: uống nước nhớ nguồn.


Bạn được tự do bày tỏ quan điểm nhưng nghiêm cấm spam

Tin liên quan

-->